pháp luật về phân cấp công trình xây dựng

Phân loại và phân cấp công trình xây dựng theo quy định mới?

Phân loại, phân cấp công trình xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá được tác động mức độ ảnh hưởng an toàn đối với con người, tài sản trong suốt quá trình vận hành, khai thác, sử dụng công trình xây dựng đó. Vậy phân loại và phân cấp công trình xây dựng theo quy định mới được quy định như thế nào? Hãy cùng  tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Công trình xây dựng là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi công trình xây dựng là gì, ta cần phải làm rõ khái niệm xây dựng. Xây dựng trong tiếng Anh là “Construction” được hiểu là một quy trình bao gồm thiết kế và thi công để tạo nên các cơ sở hạ tầng hoặc nhà ở, công trình.

Xây dựng thường được xem là hoạt động riêng lẻ, nhưng trên thực tế, đó là thành quả của rất nhiều nhân tố kết hợp lại. Trước tiên chủ đầu tư sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm quản lý công việc chung. Sau đó các kiến trúc sư, kỹ sư thi công, kỹ sư tư vấn thiết kế, giám sát thi công…. có trách nhiệm triển khai phương án thiết kế, điều hành, thực hiện giám sát hoạt động của dự án. Do vậy có thể thấy hoạt động xây dựng là một quy trình khép kín, được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố. Nó được tính từ việc bắt đầu lên kế hoạch, thiết kế, lập dự toán và thi công tới khi dự án hoàn tất và sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Dưới góc độ pháp lý, Khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Xây dựng 2020 quy định công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

 

2. Ý nghĩa của việc phân cấp công trình 

Một số ý nghĩa của việc phân cấp công trình như sau:

- Quy định về chỉ dẫn kỹ thuật sát sao, đúng tiêu chuẩn: các bước thiết kế và thực hiện thi công của công trình tùy theo phân cấp phải được đảm bảo quy trình để có thể xác nhận chất lượng một cách chính xác nhất.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý phân hạng năng lực của chủ thể tham gia xây dựng: chẳng hạn như kỹ sư thi công công trình cấp IV có cần chứng chỉ năng lực hành nghề không? Các nhà thầu xây dựng công trình cấp I sẽ phải có chứng chỉ năng lực xây dựng theo quy định thế nào;… Điều này đồng nghĩa với việc chỉ những người có đủ năng lực quản lý công trình cũng được phân cấp theo như cấp công trình.

- Xác định trách nhiệm người quản lý: trách nhiệm trước – trong và sau khi tạo dựng công trình sẽ được cơ quan có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế và nghiệm thu công trình. Do đó, đối với từng hạng mục công trình khác nhau theo từng phân cấp, đơn vị chịu trách nhiệm cũng sẽ khác nhau.

- Quản lý chi phí đầu tư: tất cả các chi phí cũng như tài liệu hợp đồng xây dựng liên quan đều được đảm bảo về mặt lưu trữ, quy định thời hạn bảo hành, công tác bảo trì và quy định về phân cấp sự cố công trình và thẩm quyền giải quyết,… đều được xác định rõ.

Từ đó có thể thấy được rằng việc phân cấp công trình đóng vai trò rất quan trọng đối với tất cả các hạng mục công trình được thực hiện. Nó không chỉ mang đến lợi ích cho những người tham gia như chủ thể trong hạng mục công trình mà còn giúp các đơn vị quản lý, bên thứ ba,… dễ dàng tiếp cận và xử lý công việc khi cần thiết.

 

3. Phân loại và phân cấp công trình xây dựng

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật Xây dựng 2014 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 06/2021/NĐ-CP, việc phân loại và phân cấp công trình xây dựng được xác định căn cứ vào tính chất kết cấu và công năng sử dụng, và căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình.

 

3.1. Phân loại công trình xây dựng

Cụ thể, căn cứ vào tính chất kết cấu hạ tầng và công năng sử dụng, công trình xây dựng được phân loại như sau:

Thứ nhất, theo tính chất kết cấu, công trình được chia thành các loại gồm: Nhà kết cấu dạng nhà; cầu, đường, hầm, cảng; trụ, tháp, bể chứa, silô, tường chắn, đê, đập, kè; kết cấu dạng đường ống; các kết cấu khác. 

Thứ hai, theo công năng sử dụng công trình được chia thành các loại sau:

- Công trình sử dụng mục đích dân dụng

Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng hay còn gọi là công trình dân dụng là công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác (có thể là một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình) phục vụ cho các hoạt động, nhu cầu của con người như:

  • Công trình nhà ở, như: Các tòa nhà chung cư, nhà ở tập thể khác; nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác.
  • Công trình công cộng, như: Công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu; công trình y tế; công trình thể thao; công trình văn hóa; công trình tôn giáo, tín ngưỡng; công trình dịch vụ;

- Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp

Công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp hay gọi tắt là công trình công nghiệp là các công trình kết cấu dạng nhà (nhà công nghiệp) hoặc các hệ kết cấu khác sử dụng cho việc khai thác, sản xuất ra các loại nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, năng lượng phục vụ nhu cầu của con người và các ngành kinh tế, bao gồm:

  • Công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng.
  • Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo.
  • Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản.
  • Công trình dầu khí.
  • Công trình năng lượng.
  • Công trình hóa chất.
  • Công trình công nghiệp nhẹ.
  • Các công trình khác phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp.

- Công trình cung cấp các cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật

Công trình cung cấp cơ sở hạ tầng, tiện ích hạ tầng kỹ thuật, gọi tắt là công trình hạ tầng kỹ thuật là công trình kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho việc khai thác, sản xuất và cung cấp nước; lưu trữ, xử lý nước và thoát nước thải; lưu trữ, xử lý các loại chất thải rắn; chiếu sáng các khu vực công cộng; chôn cất, hỏa táng, cử hành tang lễ; truyền tải thông tin; duy trì cảnh quan đô thị; cung cấp các chỗ đỗ xe công cộng, bao gồm:

  • Công trình cấp nước.
  • Công trình thoát nước.
  • Công trình xử lý chất thải rắn.
  • Một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình trong các cơ sở (i) công trình chiếu sáng công cộng; (ii) công viên cây xanh; (iii) nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; và (iv) nhà để xe ô tô; sân bãi để xe ô tô, xe máy móc, thiết bị.
  • Công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.
  • Cổng, bể, hào, hầm, tuynel  kỹ thuật và kết cấu khác sử dụng cho cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật.

- Công trình phục vụ giao thông vận tải

Công trình phục vụ giao thông vận tải gọi tắt là công trình giao thông là công trình kết cấu dạng cầu, đường, hầm hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho giao thông vận tải; điều tiết, điều phối các hoạt động giao thông vận tải; bao gồm:

  • Công trình đường bộ, như: Đường ô tô cao tốc; đường ô tô; đường trong đô thị; đường nông thôn.
  • Bến phà, bến xe; cơ sở đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ; trạm thu phí; trạm dừng nghỉ.
  • Công trình đường sắt, như: Đường sắt cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị,…
  • Công trình cầu: Cầu đường bộ, cầu bộ hành (không bao gồm cầu treo dân sinh); cầu đường sắt; cầu phao; cầu treo dân sinh.
  • Công trình hầm: Hầm tàu điện ngầm, hầm đường ô tô, hầm đường sắt, hầm cho người đi bộ.
  • Công trình đường thủy nội địa, hàng hải.
  • Công trình hàng không.
  • Tuyến cáp treo và nhà ga để vận chuyển người và hàng hóa.
  • Cảng cạn.
  • Các công trình khác như: trạm cân, cống, bể, hào, hầm, tuynel kỹ thuật và kết cấu khác phục vụ giao thông vận tải.

- Công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn

Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn là công trình có kết cấu dạng đập, đê, kè, kênh, mương hoặc dạng kết cấu khác (một công trình độc lập, một tổ hợp các công trình hoặc một dây chuyền công nghệ) sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ trực tiếp cho các công tác thủy lợi; chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn khác, bao gồm:

  • Công trình thủy lợi: Hồ chứa nước; đập ngăn nước (bao gồm đập tạo hồ, đập ngăn mặn, giữ ngọt, điều tiết trên sông, suối,…); tràn xả lũ; cống lấy nước, cống tiêu nước, cống xả nước; kênh, đường ống dẫn nước; đường hầm thủy công; trạm bơm tưới – tiêu và công trình thủy lợi khác.
  • Công trình đê điều: đê sông; đê biển và các công trình trên đê, trong đê và dưới đê.
  • Một công trình độc lập hoặc một tổ hợp các công trình trong các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các dự án đầu tư xây dựng công trình khác phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh

Công trình có kết cấu dạng nhà hoặc dạng kết cấu khác sử dụng làm các cơ sở, tiện ích, cấu trúc phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chi tiết về loại công trình phục vụ quốc phòng, an ninh.

 

3.2. Phân cấp công trình xây dựng

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật Xây dựng 2014, cấp công trình xây dựng được xác định cho từng loại công trình. Cụ thể như sau:

Cấp công trình xây dựng phục vụ quản lý hoạt động đầu tư xây dựng được xác định căn cứ vào quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật của công trình, thì được phân thành công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, cấp IV và cấp V.

Cấp công trình xây dựng phục vụ thiết kế xây dựng công trình được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Cấp công trình phục vụ quản lý các nội dung khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bảng phân cấp công trình xây dựng theo mức độ quan trọng hoặc quy mô công suất và theo quy mô kết cấu công trình xây dựng được quy định lần lượt tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành đính kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD. Đồng thời, bạn đọc cũng có thể theo dõi ví dụ về xác định phân cấp công trình xây dựng tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.